Theo Quyết định, Thanh tra Sở Xây dựng là cơ quan của Sở Xây dựng Hà Nội có chức năng giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành xây dựng; giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 24 Luật Thanh tra năm 2010; quy định tại Điều 13 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011; quy định tại Điều 11 Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013.
Chánh Thanh tra do Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm là người đứng đầu Thanh tra Sở Xây dựng, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cũng theo Quyết định thì các Đội thanh tra xây dựng quận, huyện có chức năng tham mưu, thực hiện, các nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng (TTXD), giúp Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn quận, huyện, thị xã.
Ông Chu Văn Đức - Chánh Thanh tra Xây dụng huyện Từ Liêm cho rằng: Nếu không xây dựng quy chế chặt chẽ, những quy định mới này sẽ xảy ra việc dàn trải khiến lực lượng thanh tra ở địa phương yếu và thiếu. Ngoài ra việc bố trí các nguồn kinh phí chưa phù hợp và bất cập (trước đây kinh phí được trích từ tiền xử phạt). Việc phân công cho nhiều người chịu trách nhiệm dẫn đến việc cha chung không ai khóc, do vậy phải quy định trách nhiệm cho từng người. Công tác phối hợp phải xây dựng quy chế cụ thể, rõ ràng có trách nhiệm cá nhân trong quản lý.
Cũng theo ông Đức, đối với quy chế phối hợp phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ của các đội. Phải ban hành quy trình xử lý vi phạm theo quy chế phối hợp. Và các mẫu biên bản quy định xử phạt, xử lý ngắn gọn, đúng quy định. Ngoài ra trong quy chế phối hợp cần chỉ rõ việc xử lý đất công, đất nông nghiệp thì lực lượng nào xử lý, vì các huyện ngoại thành chủ yếu là đất nông nghiệp.
Quy định của Quyết định số 46/2013/QĐ-UBND quy định cũng nêu rõ các đội Thanh tra xây dựng quận, huyện chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Thanh tra Sở Xây dựng; có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ và thường xuyên báo cáo Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã về việc phối hợp xử lý các vi phạm TTXD trên địa bàn. Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện đồng thời chịu sự chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã; có trách nhiệm giúp UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện kế hoạch quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm TTXD; trực tiếp kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các vi phạm TTXD đô thị trên địa bàn.
Ngoài ra Thanh tra Sở Xây dựng sẽ phân công một số thành viên thuộc các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện về làm việc tại các xã, phường, thị trấn để giúp UBND xã, phường, thị trấn, trực tiếp thực hiện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm về TTXD trên địa bàn theo các quy định của pháp luật và theo Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Bộ máy Thanh xây dựng gồm 4 phòng và 31 đội, trong đó có 2 đội thanh tra chuyên ngành và 29 đội thanh tra xây dựng bố trí theo địa bàn quận, huyện, thị xã.
Ông Phan Văn Bảo - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Để lực lượng thanh tra xây dựng sớm ổn định và đi vào hoạt động, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo quy chế phối hợp quản lý TTXD gửi TP xem xét. Theo đó điểm nổi bật của những quy định lần này đối với lực lượng thanh tra Hà Nội là song trùng trực thuộc.
Tổng số chỉ tiêu biên chế của Thanh tra Sở Xây dựng là: 1.567 chỉ tiêu, bao gồm 49 chỉ tiêu biên chế đã được UBND TP giao cho Thanh tra Sở Xây dựng trước khi tổ chức lại và 1.518 chỉ tiêu biên chế đã được UBND TP giao cho 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Biên chế Thanh tra Sở Xây dựng được UBND TP giao hàng năm trong tổng số biên chế hành chính của Sở Xây dựng. |