Giám sát xây dựng nhà ở tạm 6 huyện nghèo miền núi

Sở Xây dựng Quảng Nam vừa kết thúc đợt giám sát về chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo ở 6 huyện nghèo miền núi của tỉnh.

Đề án hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc huyện nghèo trên địa bàn tỉnh đã được giao ngành xây dựng tỉnh xây dựng và trình duyệt vào năm 2023 và thực hiện rà soát, điều chỉnh vào năm 2024. Theo đó, nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở tạm, dột nát ở 6 huyện là 7.460 nhà. Với tổng kinh phí hỗ trợ gần 394,5 tỷ đồng, mức hỗ trợ cho xây mới nhà là 60  triệu đồng, sửa chữa là 30 triệu đồng.

Năm 2023 đã hoàn thành hỗ trợ gần 1.350 nhà, tương đương nguồn vốn hỗ trợ khoảng là 68,5 tỷ đồng. Trong năm 2024, với mức kinh phí gần 100 tỷ đồng, Tỉnh đã và đang hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa gần 1940 nhà.

Đoàn giám sát có các thành viên của các Sở: Lao động Thương binh và Xã Hội, Tài chính, thực hiện theo mục đích kiểm soát, quản lý chương trình hỗ trợ xoá nhà tạm trong năm 2024. Đã tiến hành kiểm tra trực tiếp, tham vấn ngẫu nhiên các hộ, thôn, xã thuộc đối tượng hưởng lợi từ chương trình, đồng thời, làm việc với Uỷ ban nhân dân các huyện.

Kết quả giám sát cho thấy năng lực tổ chức thực hiện của các địa phương cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế về vốn, nhân lực, điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn quản lý. Tỷ lệ khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt so với kế hoạch vốn. Đã có hơn 1.400 nhà đã và đang thực hiện, hơn 72,4% số lượng theo kế hoạch năm. Trong đó, địa phương có số hộ khởi công, hoàn thành xây dựng nhà ở đạt tỷ lệ cao như Phước Sơn 100%; Bắc Trà My 94,6%; Tây Giang 86,6%. Nhà ở sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn 3 cứng “nền cứng, khung tường cứng, mái cứng”; chất lượng và diện tích theo quy định, sử dụng các vật liệu xây dựng tốt, bền; kiến trúc nhà ở kín đáo, vệ sinh, tránh được tác động xấu của thời tiết; giúp các hộ dân ổn định cuộc sống và sinh hoạt.

Các hộ dân đã linh hoạt vận dụng các mẫu thiết kế nhà đã được ban hành, giới thiệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục địa phương, điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình. Một số thôn đã tạo lập một số điểm, cụm nhà ở có chất lượng sử dụng an toàn, bền chắc hơn trong điều kiện hỗ trợ tại một số địa bàn. Có điển hình cán bộ xã am hiểu tập quán, văn hoá, điều kiện kinh tế của địa phương, năng nổ, bám sát địa bàn, nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình; đã lồng ghép hợp lý, huy động nguồn hợp pháp trong hỗ trợ xây dựng nhà ở, có cách thức phù hợp trong vận động, thuyết phục hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia chương trình.

Đoàn giám sát đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của UBND các huyện, các xã trong việc triển khai thực hiện, góp phần ổn định nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, đáp ứng mục tiêu hỗ trợ của chính sách.

Quá trình thực hiện giám sát, Đoàn công tác đã nghiên cứu, xem xét, giải đáp các vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền; đồng thời, đã ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc triển khai thực hiện. Kết thúc đợt giám sát, đã báo cáo, kiến nghị Tỉnh, các sở, các huyện một số nội dung nhằm theo dõi, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thực hiện chương trình xoá nhà tạm của Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo trên địa bàn Tỉnh.

Nhà tạm ở Trà Giác, Bắc Trà My